Hiểu đúng về xét nghiệm sức khỏe định kỳ – Bạn đã biết chưa?
Tưởng chừng đơn giản nhưng xét nghiệm sức khỏe định kỳ lại đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh tật. Vậy xét nghiệm gì là cần thiết? Bao lâu nên đi kiểm tra một lần? Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu đúng và đủ để chăm sóc bản thân tốt hơn.

Một số người vẫn còn quan niệm rằng không thấy bệnh thì không cần khám. Tuy nhiên, đây là hiểu lầm tai hại. Nhiều bệnh lý không biểu hiện ra bên ngoài trong giai đoạn đầu, và khi phát hiện thì đã trễ. Một số người khác lại cho rằng đi xét nghiệm tốn kém, mất thời gian. Thực tế, chi phí cho một lần xét nghiệm sức khỏe định kỳ là khá hợp lý nếu so với chi phí điều trị khi bệnh đã trở nặng.
Vì sao xét nghiệm sức khỏe định kỳ lại quan trọng?
Chúng ta thường dễ dàng chi tiền cho việc ăn uống, mua sắm, du lịch... nhưng lại đắn đo khi bỏ ra vài trăm nghìn hay vài triệu đồng để kiểm tra sức khỏe. Thực tế, không có gì đáng giá hơn sức khỏebởi khi đã bệnh, có tiền đôi khi cũng không mua lại được những năm tháng khỏe mạnh.
Giống như việc bảo dưỡng định kỳ cho một chiếc xe, xét nghiệm sức khỏe định kỳ giúp bạn biết những gì đang diễn ra bên trong cơ thể mà mắt thường không thể thấy được. Nhiều căn bệnh nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch, ung thư… thường âm thầm phát triển và chỉ biểu hiện rõ khi đã ở giai đoạn nặng. Nếu được phát hiện sớm, khả năng điều trị hiệu quả và tiết kiệm chi phí sẽ cao hơn rất nhiều.Không chỉ vậy, kết quả xét nghiệm còn giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe hiện tại để điều chỉnh chế độ ăn uống, vận động và nghỉ ngơi phù hợp hơn.
Khi nào nên đi xét nghiệm định kỳ?
- Người trưởng thành nên xét nghiệm ít nhất 1 lần/năm.
- Người có tiền sử bệnh lý mãn tính hoặc trong độ tuổi trung niên trở lên (40+) nên kiểm tra 2 lần/năm.
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, người chuẩn bị mang thai hoặc đang điều trị bệnh cũng cần có kế hoạch xét nghiệm cụ thể theo hướng dẫn bác sĩ.
- Việc lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ chuyên môn và trang thiết bị hiện đại cũng là yếu tố quan trọng để kết quả xét nghiệm đạt độ chính xác cao nhất.
Ngừa bệnh hơn chữa bệnh – bắt đầu từ hôm nay.
Cần xét nghiệm những gì trong một lần khám sức khỏe định kỳ?
Tùy theo độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe hiện tại, bác sĩ sẽ chỉ định những loại xét nghiệm phù hợp. Tuy nhiên, một số nhóm xét nghiệm phổ biến và gần như bắt buộc trong xét nghiệm sức khỏe định kỳ bao gồm:
- Xét nghiệm máu: giúp đánh giá chức năng gan, thận, lượng đường, mỡ máu và phát hiện sớm các rối loạn như thiếu máu, nhiễm trùng…
- Xét nghiệm nước tiểu: Giúp kiểm tra chức năng thận, phát hiện sớm các bệnh lý đường tiết niệu, đánh giá tình trạng đường huyết (glucose niệu) và protein niệu.
- Điện tâm đồ, siêu âm tim: Đây là các xét nghiệm quan trọng để đánh giá chức năng tim mạch, phát hiện sớm các bất thường về nhịp tim, cấu trúc tim và các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn.
- Chụp X-quang phổi: Giúp phát hiện các bệnh lý về hô hấp như viêm phổi, lao phổi, u phổi và các tổn thương khác ở phổi...
- Tầm soát ung thư: xét nghiệm PSA (cho nam giới), Pap smear và HPV (cho nữ giới), nội soi tiêu hóa, siêu âm ổ bụng…
Xét nghiệm sức khỏe định kỳ không chỉ là một hành động trách nhiệm với bản thân mà còn là một biện pháp chủ động để bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đừng đợi đến khi cơ thể lên tiếng, hãy chủ động thăm khám và xét nghiệm sức khỏe định kỳ ngay hôm nay để có một tương lai khỏe mạnh hơn. Hãy nhớ rằng, phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh!